Chi tiết bài viết

Mùa nắng, quá dễ để bạn làm nước mát uống giải nhiệt

Mùa nắng, quá dễ để bạn làm nước mát uống giải nhiệt

 

     Những ngày hè nóng nực, thức uống thanh lọc, giải nhiệt với những nguyên liệu tự nhiên, dễ kiếm luôn được các mẹ, các chị tìm kiếm. Nước mát tùy vào công dụng của các thành phần, nếu sử dụng với liều lượng hợp lý sẽ rất tốt cho sức khỏe.

 

Công dụng của một số loại nước mát

 

     Mùa này, hình ảnh dễ thấy nhất trên nhiều con đường là những xe nước sâm với người mua xếp lớp trong lớp ngoài. Trà bông cúc, sâm bí đao hay nước sâm mía lau đều đang bán rất chạy.

 

     Điều đó cũng lý giải vì sao có nơi bán nước sâm như quán khá nổi tiếng ở đường Vĩnh Viễn, Q.10, TP.HCM 6 năm qua không ngày nào vắng khách, doanh thu một tháng lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, cũng không phải dễ tìm những tiệm bán nước uy tín, thực tâm. Vì vậy, tìm hiểu thêm vài công thức với những món rau củ quen thuộc chung quanh để tự tay nấu nước mát cho gia đình cũng là điều cần thiết.

 

 

     Có rất nhiều loại nước mát từ các loại cây quả, rau củ như nha đam, bông atiso, khổ qua, bông cúc, bí đao… Mỗi thứ đều có công dụng riêng nhưng tựu trung đều có tác dụng giải khát, thanh lọc cơ thể.

 

     Món được tiêu thụ mạnh nhất tại hầu hết các sạp rau củ trong tất cả các chợ là mía lau, có giá chỉ chừng 5.000 - 10.000 đồng/bó. Bó nước mát mía lau gồm 7 loại thảo dược là: cây bọ mắm, rễ tranh, mã đề, cây lẻ bạn, lá dứa, mía lau, râu bắp. Nước mát từ mía lau có công dụng lợi tiểu, thanh lọc cơ thể, sau khi nấu, để nguội, cho vào tủ lạnh có thể dùng được 2 - 3 ngày. Nếu tiết kiệm, có thể nấu thêm một lần nữa từ số bã mía lau đó, thêm chút đường phèn là thành một món nước giải khát thơm ngon.

 

     Món sâm bí đao cũng dễ nấu và có công dụng như một vị thuốc giải độc, lợi tiểu, trị ung nhọt, táo bón. Nguyên liệu bí đao khá nhiều, giá cũng rẻ. Chỉ cần nấu bí đao thành dạng sâm và dùng hằng ngày, rất thơm ngon và tốt cho sức khỏe.

 

     Ngoài ra, có một thứ quen thuộc, dễ kiếm ở hầu hết các chợ, siêu thị là cây nha đam. Nha đam đường phèn không chỉ là thức uống thanh nhiệt dành cho những ngày nắng nóng mà còn chữa được một số bệnh như cao huyết áp, béo phì, xơ gan…

 

     Hoặc để nấu nước khổ qua rất đơn giản, cắt từng lát mỏng hoặc dùng nguyên trái để nấu. Nếu ngại đắng, có thể cho thêm đường phèn trong lúc nấu để dịu bớt vị đắng. Với nước khổ qua đường phèn, có thể uống lạnh hoặc cho thêm đá như một thức uống giải khát. Riêng với nước khổ qua đắng, nên dùng nóng sẽ ngon hơn. Nước khổ qua chữa mụn nhọt, rôm sẩy, mẩn ngứa - những chứng khó chịu thường gặp trong mùa hè oi bức.

 

 

     Tuy vậy, theo bác sĩ Hà Mi (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), dù các loại nước mát rất tốt trong việc thanh lọc cơ thể nhưng cũng không nên quá lạm dụng, đặc biệt đối với người mắc bệnh huyết áp thấp hoặc một số bệnh mãn tính.

 

     Do ngoài công dụng giải khát, làm mát phế, vị, nhiều loại thảo dược dùng trong các loại nước mát có tác dụng lợi tiểu. Tác dụng này một mặt hỗ trợ hạ nhiệt, hạ áp, an thần, làm người dùng thoải mái nhưng mặt khác có thể có khả năng tương tác với một số tân dược làm giảm tác dụng của thuốc chính. Dùng lâu một loại thuốc, kể cả thực phẩm, dù là bổ ích cũng có ảnh hưởng không tốt đến cơ thể.

 

     Những người có bệnh huyết áp, tiểu đường, thận, bệnh lao phổi... hoặc phụ nữ đang có thai, nếu muốn dùng hằng ngày, liên tục, phải hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.